Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

Thắt chặt tiền tệ, tín dụng và hiệu ứng ngược của hệ số nhân tiền

 Thắt chặt tiền tệ, tín dụng và hiệu ứng ngược của hệ số nhân tiền

TS. Hoàng Ngọc Tiến - Agribank
Như chúng ta đã biết, một trong những chức năng quan trọng của ngân hàng thương mại (NHTM) là chức năng tạo tiền thông qua hệ số nhân tiền. Người ta biết nhiều về chức năng này theo chiều thuận của nó, tức là khả năng tạo ra tiền tín dụng của các NHTM khi có một lượng tiền đưa vào lưu thông. Tuy nhiên, hiệu ứng ngược của hệ số nhân tiền này ra sao thì ít người quan tâm.
1. Khả năng tạo tiền của các NHTM
Như chúng ta đã biết, với chức năng trung gian tín dụng và trung gian thanh toán, các NHTM có khả năng tạo ra tiền tín dụng (hay tiền ghi sổ) thể hiện trên các tài khoản tiền gửi của khách hàng. Khi Ngân hàng Trung ương (ở Việt Nam hiện nay là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát hành tiền ra lưu thông qua thị trường tiền tệ (cấp vốn, tái cấp vốn), thị trường mở (mua bán chứng khoán nợ), hoặc qua thị trường ngoại hối (mua bán ngoại tệ)... thì lượng tiền này sẽ nằm trong lưu thông chủ yếu dưới dạng tiền gửi của các tổ chức, cá nhân tại các NHTM và tiền mặt trong lưu thông. Từ khoản tiền vốn (tiền gửi, tiền vay) tăng lên ban đầu này, thông qua hành vi cho vay bằng chuyển khoản, hệ thống NHTM có khả năng tạo nên số tiền gửi gấp nhiều lần so với số vốn tăng thêm ban đầu. Mức mở rộng tiền gửi này lớn hay nhỏ phụ thuộc vào số nhân tiền (money multiplier). Trong thực tế, hệ số này chịu tác động bởi các yếu tố chính như: tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tỷ lệ dự trữ thanh toán (tiền gửi tại NHNN và tiền mặt tại quỹ) trên tổng nguồn vốn huy động của các NHTM và tỷ lệ giữ tiền mặt trên tổng số cung tiền trong dân cư.
Trong bài viết này, để có một cái nhìn thực tế hơn, chúng tôi tạm giả thiết như sau (tính theo lý thuyết tiền tệ hiện đại):
- Tỷ lệ dự trữ bắt buộc bình quân cho các loại tiền gửi ở các NHTM gửi tại NHNN là: 7%.
- Tỷ lệ dự trữ thanh toán bình quân của các NHTM (gồm tiền gửi tại NHNN và tiền mặt tồn quỹ) là 8%.
- Tỷ lệ giữ tiền mặt trên tổng số cung tiền trong dân cư là: 10%.
- Như vậy, hệ số nhân tiền sẽ là:
mM = 1/(7% + 8% + 10%) = 4
Kết quả tính toán cho thấy: cứ một đồng vốn mà NHNN phát hành vào lưu thông được gửi vào một NHTM thì hệ thống các NHTM có thể tạo ra một lượng tiền gửi để cho vay lên tới 4 đồng. Đồng thời, NHNN cũng đã thu về ngay 28% số lượng tiền phát hành ra thông qua số tiền dự trữ bắt buộc tăng thêm của các NHTM.
2. Hiệu ứng ngược của hệ số nhân tiền
Tại Việt Nam, thực hiện chủ trương chống lạm phát của Chính phủ, từ đầu năm 2008 đến nay, NHNN thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt. Theo Quyết định 187/QĐ-NHNN ngày 16/01/2008, các NHTM phải tăng dự trữ bắt buộc trên 2 phương diện: tăng tỷ lệ trên nguồn vốn huy động và mở rộng đối tượng phải dự trữ bắt buộc (áp dụng dự trữ bắt buộc cho cả loại hình tiền gửi có kỳ hạn trên 24 tháng). Theo một số thông tin trên báo, số lượng vốn dự trữ bắt buộc tăng thêm khoảng 10.000 tỷ đồng. Đồng thời, các NHTM phải mua tín phiếu bắt buộc trị giá 20.300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các NHNN kiểm soát chặt chẽ việc mở rộng tín dụng, đặc biệt là các lĩnh vực cho vay kinh doanh chứng khoán, kinh doanh bất động sản, cho vay tiêu dùng, hạn chế danh mục cho vay ngoại tệ…
Hiệu ứng của chính sách nêu trên là giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán sụt giảm liên tục do các nhà đầu tư (chủ yếu là nhà đầu tư vay vốn ngân hàng) bán ra để trả nợ; các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư bán ra cắt lỗ hoặc trả nợ, hoặc các NHTM bán các chứng khoán cầm cố thu nợ… cùng với tác động của tâm lý (được coi là rất quan trọng) làm cho thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh. Giá bất động sản (nhà đất) giảm theo vì thiếu vốn đầu tư, trong khi đó, các NHTM ngưng hoặc hạn chế cho vay và thu hồi vốn dẫn đến các nhà kinh doanh bất động sản không kịp trở tay, buộc phải bán ra, giá sụt giảm nhanh nên rất ít người mua dẫn đến thị trường đóng băng. Các hoạt động kinh doanh khác bị ảnh hưởng, do thiếu vốn tín dụng, thiếu vốn thanh toán các doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng hoặc thu hẹp kinh doanh. Cùng với sự tác động của giá xăng dầu và lương thực trên thế giới tăng cao, dẫn đến chi phí sản xuất kinh doanh của các ngành cũng tăng theo, nhiều doanh nghiệp thua lỗ. Từ các tác động trên, đến lượt thị trường tiền tệ, tín dụng bị ảnh hưởng trở lại, lãi suất huy động và cho vay tăng, nguồn vốn khan hiếm, kinh doanh giảm sút và khả năng thanh khoản tại một số ngân hàng (chủ yếu là ngân hàng nhỏ) yếu.
Trước tình hình thị trường biến động như trên, rất nhiều người đặt câu hỏi: Hàng trăm ngàn tỷ đồng trên thị trường chứng khoán, bất động sản bị “bốc hơi” mất, vốn các ngân hàng thiếu trầm trọng, vậy thì tiền chạy đi đâu?
Trả lời câu hỏi này, có rất nhiều quan điểm được đưa ra. Một số người cho rằng các nhà đầu tư chuyển hướng vào đầu tư vàng, ngoại tệ; có người cho rằng dân giữ tiền mặt để tiện kinh doanh không nộp vào ngân hàng...vv
Từ thực tế trên, sau khi nghiên cứu và phân tích, chúng tôi mạnh dạn đưa ra một số ý kiến trao đổi như sau:
Đối với quan điểm các nhà đầu tư chuyển hướng đầu tư vào vàng:
Hiện tượng này là có thật do giá vàng trên thế giới và trong nước tăng nhanh trong thời gian một vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, phân tích việc mua bán vàng cho thấy:
- Đối với lượng vàng dự trữ trong dân cư và các công ty: việc mua bán chủ yếu là sự vận động của vàng và tiền từ người này sang người khác, tức là vàng chuyển từ người bán sang người mua và ngược lại, tiền từ người mua chuyển sang người bán. Trên phương diện thị trường toàn quốc, không có sự tăng lên hoặc giảm đi về khối lượng tiền tệ và vàng.
- Đối với lượng vàng nhập khẩu: các công ty kinh doanh vàng dùng vốn nội tệ của mình (tự có hoặc vay) mua ngoại tệ nhập vàng về, sau đó bán vàng ra thị trường thu vốn nội tệ về cộng (trừ) thêm lời (lỗ) nếu có. Hành vi này thực tế chỉ là sự chuyển đổi hình thức cất trữ tiền tệ, từ ngoại tệ (một hình thức tiền tệ) tại các NHTM sang vàng (hình thức tiền tệ khác) mà thôi. Thực chất, không có sự thay đổi khối lượng tiền mặt nội tệ trong lưu thông.
- Đối với lượng vàng xuất khẩu: trong thời gian qua một số doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu vàng khi giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng trên thế giới. Việc xuất khẩu vàng cũng tương tự như nhập khẩu vàng, đó là sự chuyển đổi giữa 2 loại tiền tệ (ngoại tệ và vàng), do đó, cũng không ảnh hưởng đến khối lượng tiền mặt trong lưu thông.
Như vậy, khi nào thì việc mua bán vàng làm ảnh hưởng đến khối lượng tiền tệ trong lưu thông? Đó là khi nhà nước (thông qua NHNN hoặc Kho bạc) phát hành tiền ra để mua vàng dự trữ hoặc ngược lại bán vàng dự trữ để thu tiền từ lưu thông về.
Đối với quan điểm nhà đầu tư chuyển hướng đầu tư vào ngoại tệ:
Theo như phân tích ở trên, vàng và ngoại tệ (ngoại tệ mạnh như USD và EUR) là 2 loại tiền tệ khác nhau bên cạnh nội tệ (VND). Hai loại tiền tệ này là phương tiện thanh toán và cất trữ chủ yếu trên thế giới. Xét trên bình diện quốc gia, việc các nhà kinh doanh và đầu tư trên thị trường ngoại tệ (cũng như vàng) là không ảnh hưởng đến lượng cung nội tệ trên thị trường.
Cũng như vàng, chỉ khi nhà nước phát hành tiền ra để mua ngoại tệ dự trữ hoặc ngược lại, bán ngoại tệ dự trữ để thu tiền từ lưu thông về thì khối lượng tiền trong lưu thông bị ảnh hưởng.
Quan điểm người dân giữ tiền mặt để tiện kinh doanh không nộp vào ngân hàng:
Hiện tượng này là có thật, khi ngân hàng hạn chế cho vay và thu hồi vốn về thì sẽ xuất hiện các hành vi găm giữ tiền mặt để thanh toán ngoài ngân hàng do tâm lý sợ trả nợ, ngân hàng không cho vay lại sẽ ảnh hưởng đến các hợp đồng kinh doanh đã ký hoặc dự án đang triển khai. Hoặc là một số người lo sợ NHTM mất khả năng thanh toán nên giữ lại một phần vốn bằng tiền mặt tại nhà. Tuy nhiên, với những bất tiện và rủi ro trong việc giữ tiền mặt tại nhà, cộng với thông tin các NHTM đã được bảo hiểm tiền gửi, cho nên lượng tiền găm giữ tiền mặt trong dân cư không quá lớn để làm xáo trộn thị trường.
Qua phân tích ở trên, việc các nhà kinh doanh và nhà đầu tư có chuyển hướng đầu tư tiền (nội tệ) nhàn rỗi từ lĩnh vực này, sang lĩnh vực khác chẳng qua là sự chuyển đổi vị trí giữa người này và người kia, từ lĩnh vực đầu tư này sang lĩnh vực đầu tư khác, tổng giá trị tiền tệ trong phạm vi quốc gia không thay đổi. Số tiền mặt mà dân cư giữ lại do tâm lý cũng chiếm một tỷ lệ không lớn, khó tạo nên sự đột biến của thị trường.
Như vậy, chỉ khi nhà nước dùng biện pháp thu hồi hoặc phát hành thêm lượng tiền vào lưu thông dưới các hình thức bán hoặc mua vàng, ngoại tệ dự trữ hoặc điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các NHTM, phát hành trái phiếu, tín phiếu (để dự trữ, không tái đầu tư vào mục đích khác) thì lượng tiền trong lưu thông mới có sự biến động. Cung cầu tiền trong lưu thông biến động dẫn tới nguồn vốn tín dụng trên thị trường biến động theo thông qua cơ chế tạo tiền của các NHTM. Cơ chế tạo tiền và ngược lại, giảm tiền tín dụng được thực hiện qua tác động của hệ số nhân tiền.
Trong khi khả năng tạo tiền của hệ thống NHTM được coi là một phát minh lớn trong hoạt động ngân hàng, đem lại lượng vốn đáng kể cho nền kinh tế khi nhà nước nới lỏng chính sách tiền tệ tín dụng; thì ngược lại, việc thắt chặt tiền tệ tín dụng sẽ làm giảm lượng vốn tín dụng trong nền kinh tế theo hệ số nhân tiền tương ứng. .
Trở lại ví dụ nêu trên, khi NHNN bắt buộc các NHTM mua tín phiếu bắt buộc là 20.300 tỷ đồng, số này không lớn so với tổng nguồn vốn huy động tại các NHTM lúc bấy giờ. Tuy nhiên, xét theo hiệu ứng ngược của hệ số nhân tiền, thì với số lượng tiền trên rút ra khỏi lưu thông, có nghĩa là nguồn vốn tín dụng của các NHTM phải giảm đi tương ứng tối đa là 81.200 tỷ đồng (20.300 tỷ x 4). Tương tự, việc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên 1% cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn cung tín dụng cũng như là chi phí đầu vào của các NHTM tăng lên. Một khối lượng vốn tín dụng khổng lồ rút ra khỏi lưu thông mà các NHTM cần phải mất nhiều thời gian mới có thể huy động bù đắp lại được.
Thông thường, các NHTM tính toán cân đối sử dụng vốn sao cho hiệu quả nhất nên phần lớn vốn huy động phải được cho vay hoặc đầu tư sinh lợi khác, tỷ trọng vốn dự trữ thanh toán và sẵn sàng cho vay không nhiều, khoảng 10% tổng vốn huy động. Chính vì vậy, khi phải thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, các NHTM phải thay đổi cơ cấu sử dụng vốn, giảm vốn đang dự trữ thanh toán và kinh doanh để tăng dự trữ bắt buộc, mua tín phiếu… dẫn đến khan hiếm nguồn vốn để cho vay. Thậm chí có NHTM thiếu khả năng thanh khoản phải đi huy động với lãi suất cao và chỉ thu hồi nợ để bù đắp thanh khoản. Vấn đề này sẽ ảnh hưởng khá lớn đến mục tiêu phát triển kinh tế.
Trước nguy cơ lạm phát gia tăng và suy thoái kinh tế trên toàn cầu hiện nay, việc Chính phủ Việt Nam đưa ra một loạt các giải pháp để kiềm chế lạm phát bằng việc thắt chặt tiền tệ là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam mới chỉ trong giai đoạn đầu của quá trình xây dựng và phát triển, nhu cầu vốn cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội và sản xuất kinh doanh còn rất lớn. Do vậy, nhà nước cần nghiên cứu kỹ các quy luật của nền kinh tế thị trường, áp dụng đồng bộ, mềm dẻo, linh hoạt các giải pháp nhằm vừa kiềm chế lạm phát, vừa đảm bảo vốn cho tăng trưởng kinh tế. Một trong những vấn đề đó là NHNN Việt Nam cần tổ chức nghiên cứu nghiêm túc phạm vi tác động của hệ số nhân tiền, cơ chế tạo tiền và giảm tiền của các NHTM. Từ đó, NHNN có thêm cơ sở khoa học và thực tiễn để điều hành chính sách tài chính - tiền tệ - tín dụng phù hợp với các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
 Nguồn: Tạp chí Ngân hàng số 13/2008

2 nhận xét:

  1. Cảm ơn bạn đã chia sẽ, mình làm ở thẩm mỹ viện nếu muốn biết thông tim về phương pháp thẩm mỹ mắt ở đâu đẹp thì hãy liên hệ với mình nhé

    Trả lờiXóa
  2. Những thông tin chia sẻ ở trên thật hữu ích. Nếu có nhu cầu thẩm mỹ, bạn có thể tham khảo thêm vấn đề về nhấn mí bao lâu thì hết sưng để biết thêm chi tiết.

    Trả lờiXóa